Các cụ ngày xưa có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Ăn uống tuy là việc rất đơn giản thường ngày nhưng chúng ta cũng cần phải học. Học để biết lễ nghi, để có sự thanh lịch, ứng xử giữa mình với mọi người sao cho phù hợp, và còn để dạy lại con cái bạn sau này.
Dưới đây mời bạn tham khảo một số quy tắc trên bàn ăn của người Việt.
Trước khi ăn
- Không ăn trước người lớn tuổi. Cần chờ mọi người ngồi đủ chỗ rồi mới bắt đầu dùng bữa. Nếu được mời làm khách thì chờ chủ nhà bố trí chỗ ngồi, không tự ý ngồi vào bàn trước khi chủ nhà mời. Ngoài ra nên thành thực nói về việc ăn kiêng, dị ứng (nếu có) để tránh bất tiện cho chủ nhà.
- Trong bữa ăn, người nhỏ tuổi phải mời hết lượt ông bà, cha mẹ, cô chú, anh chị… Khi tới đâu thì quan sát gia chủ, không thể mang tập quán nhà mình vào bữa ăn nhà người ta.
- Phần người đi muộn phải phần vào đĩa riêng, không để phần theo kiểu ăn dở còn lại trong đĩa.
- Khi dọn mâm cơm nhớ lấy thêm bát, đĩa hoặc giấy để đựng xương, sạn hay rác.
Trong khi ăn
- Ăn từ tốn. Không tạo tiếng ồn khi ăn, ví dụ húp canh sột soạt hay nhai chóp chép.
- Tránh cơm đầy trong miệng mà nói, điều này vừa mất vệ sinh vừa không lịch sự, tôn trọng người đối diện.
- Không dùng thìa, đũa cá nhân của mình khuấy vào bát chung.
- Không xới đĩa thức ăn để chọn miếng ngon.
- Không gắp thức ăn từ đĩa rồi đưa thẳng vào miệng, đó là tham ăn và bất lịch sự. Gắp đồ ăn xong phải đặt vào bát của mình rồi mới đưa lên miệng.
- Không cắm đũa dựng đứng vào bát cơm. Hành động này được cho là giống cắm nhang vào bát cơm, chẳng khác nào cúng cơm cho người chết.
- Khi muốn gắp thức ăn cho người khác phải trở đầu đũa.
- Muốn hắt hơi, xì mũi thì xin phép ra ngoài, hoặc ít nhất cần quay đi chỗ khác.
- Khi ngồi ăn không rung đùi. Dân gian có câu “Cây rung thì lá rơi, người rung thì phúc bạc” hay “Nam mà rung chân thì cùng cực, nữ mà rung chân thì hèn mọn”. Từ nhân tướng học có thể nói rung chân là một loại tướng xui xẻo, phá tài.
- Không gắp liên tục một món dù đó là món khoái khẩu của mình.
- Không dùng điện thoại di động trong bữa ăn.
- Không vừa cầm đũa vừa cầm bát bằng 1 tay vì rất vướng, có thể va quệt vào người xung quanh. Khi muốn rảnh tay làm việc khác như múc canh, xới cơm, đũa nên đặt xuống bàn, gác lên mâm hoặc cạnh đĩa.
- Ngồi trên ghế nên có tư thế thoải mái nhưng thẳng lưng, không được cho chân lên ghế. Ngồi trên chiếu thì không nên co chân chống cằm, không nhấp nhổm nhấc mông để gắp đồ ăn.
- Khi ăn phải 1 tay bưng bát cơm, 1 tay cầm đũa, không được để bát cơm trên bàn rồi dùng đũa xúc cơm ăn.
- “Hạt cơm là hạt ngọc” mất bao công sức mới làm ra, nên ăn hết thức ăn, đồ ăn trong bát không được bỏ phí.
- Nếu nhai phải sạn hay xương thì từ từ lấy ra không được nhè toàn bộ ra tại bàn ăn.
- Tránh chê món ăn không hợp khẩu vị ngay trên bàn ăn.
Sau khi ăn
- Ăn xong cần tô son lại thì xin phép vào phòng vệ sinh, không tô son trên bàn ăn trước mặt người khác.
- Khi dùng bữa xong nhớ phép cơm người lớn tuổi.
Trên đây là những quy tắc mà mình tìm hiểu được. Thật ra những điều này rất khó để nhớ hết một lúc, nhưng đều đã được cha mẹ, ông bà ta rèn từ tấm bé.
Tuy là những chi tiết nhỏ nhưng lại thể hiện nề nếp gia phong, sự giáo dưỡng của một người. Đặc biệt trẻ nhỏ rất dễ bắt chước, vậy nên chúng ta hãy chú ý hơn, cố gắng rèn luyện tạo thói quen và hoàn thiện mình bạn nhé!
Ok!
Good!
Thank you!
Cảm ơn bạn!