Monday, 19 December 2022
  0 Replies
  220 Visits
0
Votes
Undo
  Subscribe
Với mong muốn giữ gìn và phát triển nghề dát vàng, bạc quỳ của cha ông, nghệ nhân Lê Hữu Hoằng (sinh năm 1967, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm) sẵn sàng truyền nghề cho những ai muốn theo học.

Trong các nghề truyền thống của mảnh đất Thăng Long-Hà Nội thì dát vàng, bạc quỳ được xem là nghề có nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ bậc nhất. Theo nghệ nhân Lê Hữu Hoằng, công đoạn nào cũng khó, sai số một chút là ảnh hưởng đến cả sản phẩm. Nhờ có sự hỗ trợ của máy móc, hiện tại, người dân làng nghề Kiêu Kỵ đã giảm từ 50 công đoạn xuống còn 25.
https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2022/02/12/vuhuyen/nghe-nhan.jpg?dpi=150&quality=100&w=870
Nghệ nhân Lê Hữu Hoằng giới thiệu sản phẩm dát vàng của gia đình.

Làng nghề Kiêu Kỵ hiện có hơn 50 hộ làm nghề với từ 300 đến 400 lao động. Tuy nhiên, không phải hộ gia đình nào cũng có thu nhập ổn định do gặp khó trong việc tìm đầu ra sản phẩm. Cũng bởi mất nhiều công lao động, nguyên liệu bằng vàng, bạc quý hiếm nên các sản phẩm mà làng nghề Kiêu Kỵ tạo ra có giá thành cao. Hơn nữa, hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm được dát từ vàng công nghiệp, mạ vàng có giá thành rẻ đã được nhiều người tiêu dùng lựa chọn hơn.

Vợ chồng ông Lê Hữu Hoằng hiện đều làm nghề dát vàng, bạc quỳ; hai cậu con trai chỉ phụ giúp bố mẹ. Do công việc không nhiều nên những năm gần đây, ông Hoằng còn buôn bán thêm đồ thờ cúng để tăng thu nhập. Ông Lê Hữu Hoằng trăn trở: “Một lao động dát vàng, bạc quỳ lành nghề có thể kiếm thu nhập 300.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, không phải ngày nào cũng có việc để làm do nhu cầu mua sắm của người dân chỉ tập trung vào dịp cuối năm. Ngoài một số hộ gia đình tìm được đầu ra sản phẩm ổn định, còn lại hầu hết các hộ gia đình khác chỉ sản xuất cầm chừng”.

Trò chuyện với ông Lê Hữu Hoằng, chúng tôi hiểu được những lo lắng của ông về tương lai của nghề dát vàng, bạc quỳ Kiêu Kỵ khi nhiều thanh niên trong làng đã đi tìm kiếm công việc khác có thu nhập tốt hơn. Bởi vậy, trong vài năm trở lại đây, ông Hoằng sẵn sàng truyền nghề cho những ai muốn theo học. Tính đến nay, ông đã truyền nghề được cho 4 người.

“Tôi luôn trăn trở rằng, sau thế hệ chúng tôi thì các con, cháu có còn mặn mà với nghề dát vàng, bạc quỳ nữa không? Muốn giữ nghề và kiếm thu nhập ổn định thì trước hết chúng ta phải sớm tìm đầu ra cho sản phẩm. Trước đây, nghề dát vàng, bạc quỳ được các cụ giữ kín, không truyền cho người ngoài, thậm chí là con gái. Hiện tại, tôi sẵn sàng truyền nghề cho những ai muốn theo học”, ông Lê Hữu Hoằng trăn trở.

Nghệ nhân Nguyễn Anh Chung, Chủ tịch Hội Dát vàng, bạc quỳ Kiêu Kỵ đánh giá: “Nhờ tay nghề cao và tâm huyết với nghề, anh Lê Hữu Hoằng đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân cấp TP Hà Nội năm 2019. Điều anh Hoằng lo lắng cũng là trăn trở của những người làm nghề như chúng tôi. Ngoài việc tìm đầu ra cho sản phẩm, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng công tác đào tạo nghề cho thế hệ trẻ, góp phần tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, lưu giữ tinh hoa nghề truyền thống của cha ông”.




(Nguồn qdnd.vn)
There are no replies made for this post yet.
Be one of the first to reply to this post!

Thống kê diễn đàn

Posts
1.3K
Total Users
21
Total Guests
221
Latest Member