Thôn Yên Thịnh ở xã Khánh Dương, huyện Yên Mô là cơ sở sản xuất loại bún tươi, vì thế nên người dân thường gọi là bún tươi Khánh Dương. Sợi bún ở đây trắng, nhỏ, dẻo làm từ loại gạo ngon của chính vùng quê hương. Có điều lạ là cạnh thôn sản xuất bún lại là thôn Thạch Lỗi, ruộng ở đây có nhiều cua và cua đồng ở đây béo ngậy. Bún Khánh Dương đi với riêu cua Thạch Lỗi thì… hết chỗ chê: “ dẻo thơm là bún Khánh Dương – Riêu cua Thạch Lỗi đời thường mà … vua”.
Cả làng có 175 hộ thì đã có gần một nửa làm bún. Nếu so với trước, cách đây 30 – 40 năm thì tăng gấp 2 đến 3 lần. Ông Trương Thế Lực – Phó chủ nhiệm làng nghề, trưởng thôn Yên Thịnh nói rằng: Hiện nay ruộng đất ít, bình quân chỉ có 1,5 sào/người, nên phát triển nghề phụ là rất cần thiết. Ngoài làm bún, dân ở đây còn làm thuốc lào. Làm bún chủ yếu là lấy công làm lời. Ngày trước làm nghề này khá cực nhọc, chủ yếu bằng tay, từ khâu xay bột, đến ép tạo sợi bún cũng hoàn toàn bằng sức người. Do đó không làm được nhiều. Mỗi gia đình chỉ làm được chừng 20-30 kg bún/ngày.
Khác với bún cũng từ gạo nhưng ngâm, xay, làm ra bún liền, không qua ngâm ủ, màu trắng sáng; còn bún Khánh Dương cũng thuộc loại bún tươi nhưng qua ngâm ủ đến cả tuần lễ nên màu sậm hơn. Tuy vậy bún Khánh Dương được người tiêu dùng chuộng hơn. Sợi bún dài, khô ráo, không mùi chua, đặc biệt là dai hơn bún chưa qua ngâm ủ, có hình dáng sợi bún rất đặc trưng, làm cho người ăn thích thú hợp khẩu vị hơn. Bún Khánh Dương thường dùng làm các loại bún gì cũng phù hợp như: bún riêu cua, bún chả, bún bò, bún giò, bún ốc….
Ngày xưa, bún Khánh Dương chủ yếu chỉ bán trong huyện, trong tỉnh. Ngoài phục vụ cho các tiệm bún giò, bún riêu, các gia đình còn bán ngoài chợ phiên, bán dạo các vùng quê. Nhất là khi mùa lúa bắt đầu thu hoạch. Gánh bún ngang qua đồng, qua các xóm làng, người mua đủ kiểu, bằng tiền, bằng lúa, thậm chí lúa đang đập ngoài sân, quạt cho sạch lép, rồi đổi bún. Có bà bán bún còn mang theo chai nước mắm, tô, bát, nếu cần người mua có thể mua một tô bún với nước mắm ớt tỏi là lót dạ được rồi. Bán hết gánh bún rồi, gánh về một gánh lúa là chuyện thường của người bán bún dạo.
Ngày nay bún Khánh Dương bán ra đủ nơi, đủ chỗ, bán tận Nam Định, Thanh Hóa. Đêm khoảng 02 giờ bún làm xong, đóng gói cẩn thận, gửi xe ô tô, sáng sớm đến Nam Định, Thanh Hóa chỉ qua hơn 1 h đồng hồ, trong thời gian cho phép, không làm bún hỏng. Người làm bún Khánh Dương nói rằng, do bún riêu cua của làng Thạch Lỗi nổi tiếng, người Khánh Dương ra Nam Định mở quán, quen cách chế biến với bún địa phương nên rất đông khách, mong sao có nhiều quán bún riêu cua để Khánh Dương bán được nhiều sản phẩm.
Ông trưởng thôn Yên Thịnh nói rằng, nhờ được tỉnh công nhận làng nghề từ năm 1980 đến nay nên được nhà nước hỗ trợ đầu tư về hạ tầng. Đã làm được trên 80% đường bê tông trong làng nghề nên việc đi lại buôn bán trong thôn cũng thuận tiện hơn. Bà con trong làng nghề cũng mong muốn khôi phục lại ngày giỗ tổ nghề bún để tôn vinh, giáo dục người làm bún giữ truyền thống nghề, phát triển nghề, không bỏ phụ gia vào sản phẩm, giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường làng nghề… để phát triển bền vững.
Người Khánh Dương, hay nói riêng người 9 Thịnh – Thạch Lỗi, ở phương xa, khi dùng một tô bún của quê nhà, chắc hẳn càng nhớ về cội nguồn, xứ sở, nhất là dịp Tết đến xuân về. Chắc chắn có một niềm tự hào dâng lên, quê mình có một sản phẩm bún tươi độc đáo, ngày càng được nhiều nơi ngoài tỉnh biết đến.
(Nguồn huongnghiep.gdtx-thnn.ninhbinh.vn)