Thursday, 22 December 2022
  0 Replies
  240 Visits
0
Votes
Undo
  Subscribe
Nghề miến Lại Trạch (xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) là làng nghề sản xuất miến dong đã lâu đời, từ năm 2004 làng chính thức được công nhận là làng nghề của tỉnh.
http://baohungyen.vn/file/4028eaa4679b32c401679c0c74382a7e/old_image/dataimages/201801/original/images1409590_mien.JPG

Toàn thôn hiện có gần 30 hộ đứng ra mở lò làm cơ sở sản xuất với khoảng 250- 300 lao động thường xuyên phục vụ các công đoạn làm miến. Là địa phương thuần nông nên nghề làm miến trở thành nghề làm giàu của người dân, sản phẩm làm ra ngày càng đạt yêu cầu về chất lượng, tạo được thương hiệu trên thị trường.

Đi từ đầu làng đã thấy những khoảng đất trồng, sân vườn được người dân thiết kế riêng, bắc giàn cao để làm nơi phơi miến. Những phiến miến trắng trong vắt, ánh lên màu xanh nhẹ của bột dong và mùi thơm dìu dịu của lứa bột mới khiến không khí nơi đây mang hương vị rất đặc trưng. Từ các lò, miến vừa “chạy” ra phên đến đâu liền được người lao động nhanh tay chuyển lên giàn phơi đến đấy, không khí lao động trong nơi sản xuất cũng như ngoài bãi phơi đều rất tấp nập, khẩn trương.

Nguyên liệu chủ yếu là bột củ dong được các cơ sở sản xuất đặt hàng và nhập về từ một số địa phương trong tỉnh như: Khoái Châu, Văn Giang và các tỉnh miền núi như: Sơn La, Yên Bái… Nhà làm miến khi đã đặt mua hàng, chọn được loại bột vừa ý là nhập hàng lâu dài. Bởi vì muốn miến ngon, được khách hàng ưa dùng thì bột làm miến phải là hàng chuẩn, không pha tạp. Bột dong sau khi nhập về được chế biến, lọc lấy tinh bột rồi mới tráng qua nồi hơi để ra sản phẩm “bánh miến”. Bánh miến này được đem phơi ráo rồi mới tiếp tục cho vào máy cắt thành những sợi miến thành phẩm như vẫn thấy trên thị trường. Sau nhiều năm sản xuất, đến nay các công đoạn làm miến dong ở Lại Trạch đã được áp dụng nhiều loại máy móc khác nhau để tăng hiệu quả và năng suất. Hiện nay, mỗi hộ làm miến trong thôn đều trang bị 1 máy tráng miến trị giá gần 30 triệu đồng, 3 máy cắt miến, một bếp nấu bột và một bể chứa bột. Từ dây chuyền sản xuất miến công nghiệp cùng với kinh nghiệm của thợ làng nghề, mỗi cơ sở sản xuất miến có thể chế biến từ 1,5- 2 tấn bột cho ra từ 1- 1,5 tấn miến/ngày. Năng suất cao hơn cũng đồng nghĩa với thu nhập của người làm miến tăng lên. Người lao động vì thế cũng đỡ vất vả hơn, chủ yếu tập trung lúc tráng bánh, phơi và cắt bánh thành phẩm. Những ngày này, dạo quanh làng đâu đâu cũng thấy người lao động luôn tay làm việc, hết tráng bánh rồi phơi, cắt sợi…

Mỗi hộ sản xuất miến dong quy mô khá đều phải thuê từ 10- 15 lao động, sản xuất lớn hơn thì có thể thuê tới 20 lao động làm thường xuyên với mức tiền công khoảng 100 nghìn đồng/người/ngày. Công việc không quá vất vả, thu nhập cũng khá nên làng nghề không chỉ thu hút lao động địa phương mà còn có nhiều lao động lân cận tới làm công. Ngoài việc thương lái các nơi tới đặt mua hàng, người làng cũng mang miến đi bán buôn, bán lẻ ở các đại lý hoặc bán rong lẻ trong và ngoài tỉnh, có thêm thu nhập lúc nông nhàn.

Lâu nay, miến Lại Trạch đã “hữu xạ tự nhiên hương” mà làm nên thương hiệu cho làng. Thương lái dù ở đâu khi đã buôn miến Lại Trạch là không muốn chuyển sang làng miến khác nữa bởi những bí quyết nhiều đời của làng nghề đã làm nên sợi miến ngon đặc biệt nơi đây. Ngay cả người dân thôn khác trong xã muốn học nghề để làm cũng không sao “học lỏm” được những bí quyết ấy. Không dùng hóa chất, không dùng phẩm màu là những tiêu chí hàng đầu của các hộ làm nghề. Trừ khi đơn đặt hàng yêu cầu miến màu cánh gián, màu mật ong thì hộ sản xuất mới dùng thêm màu thực phẩm, còn sợi miến nguyên chất luôn được giữ màu trắng trong có ánh xanh nhẹ- đúng như chất bột dong ban đầu. Nhờ bí quyết ủ bột, trộn tỷ lệ hợp lý lại luôn khắt khe trong khâu chọn nguyên liệu, phơi miến nên sợi miến thành phẩm vừa trong, vừa dai, khi ăn vừa mềm sợi lại có độ giòn tự nhiên, mùi thơm đúng vị. Đặc biệt, người làm nghề nơi đây hoàn toàn phơi bánh tự nhiên, không sấy hay bảo quản nhưng sản phẩm vẫn đẹp sợi, bảo quản được vài tháng mà không bị mốc hỏng.

Vài năm trở lại đây giá miến ổn định, tăng theo các mặt hàng thực phẩm khác nên ngươi làm nghề vẫn bảo đảm sản xuất có lãi, thu nhập trung bình khoảng 150- 200 triệu/hộ sản xuất/năm. Lúc nông nhàn, khi giáp tết thì tập trung sản xuất mạnh, lúc cấy hái thì sản xuất ít hơn, người làng Lại Trạch vẫn luôn coi nghề là kế sinh nhai hiệu quả để gắn bó lâu dài. Đến nay, làng nghề đang phấn đấu hoàn thiện hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước hợp vệ sinh để nước thải khi lọc bột không gây ô nhiễm môi trường và có thể sử dụng để bón cho cây trồng.

Những sợi miến trong vắt, phơi xòe trên giàn lấp lánh đón nắng gió, những bao miến lớn nhỏ theo xe buôn tỏa đi các hướng tiêu thụ, hứa hẹn sẽ đem về hiệu quả kinh tế và một cái tết ấm cúng cho người dân nơi đây.



(Nguồn http://doingoaihungyen.vn/)
There are no replies made for this post yet.
Be one of the first to reply to this post!

Thống kê diễn đàn

Posts
1.3K
Total Users
21
Total Guests
208
Latest Member