Gia công cơ kim khí là một trong những nghề có lịch sử hình thành lâu đời trên mảnh đất Thăng Long – Hà Nội, gắn liền với các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người dân. Các làng nghề này đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa nhưng những áp lực lên môi trường từ hoạt động sản xuất của làng nghề đang là vấn đề được các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn đặc biệt quan tâm.
Ô nhiễm tại các làng nghề gia công cơ kim khí đang ở mức báo động (Hình ảnh nước thải tại làng nghề cơ kim khí Phùng Xá).
Ổn định đời sống làng nghề
Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có nhiều làng nghề hoạt động trong lĩnh vực gia công cơ kim khí. Có thể kể đến một số làng nghề đã nổi danh, như: Làng rèn Đa Sỹ (quận Hà Đông), làng nghề cơ khí Phùng Xá (huyện Thạch Thất), làng nghề kim khí Rùa Hạ (huyện Thanh Oai)... đã tồn tại hàng trăm năm. Ngày nay, trước những tác động của đô thị hóa, các làng nghề vẫn phát triển và tạo cho mình một hướng đi riêng, đáp ứng với nhu cầu cuộc sống.
Quá trình công nghiệp hóa đã tạo thêm “cú hích” cho nhiều làng nghề phát triển sang một giai đoạn mới, người dân các làng nghề có thu nhập cao và đời sống ổn định. Khảo sát thực tế tại Làng nghề rèn Đa Sỹ, hiện có trên 1.000 lao động làm nghề, các sản phẩm không chỉ được buôn bán rộng rãi tại Hà Nội mà còn được xuất ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí còn được xuất ra nước ngoài.
Chủ tịch Hội làng nghề rèn Đa Sỹ Hoàng Quốc Chính cho biết, quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp đã được chuyển đổi sang làm hạ tầng và các công trình công cộng, công trình dịch vụ... nên người dân Đa Sỹ phải gắn bó với nghề rèn để mưu sinh. Từ đó, người dân cũng ý thức hơn trong việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động, thu nhập của người dân làng nghề tương đối ổn định. “Thu nhập của người dân làng rèn Đa Sỹ bình quân từ 10 – 15 triệu đồng/hộ/tháng, đặc biệt một số hộ có thu nhập lên tới trên 50 triệu đồng/tháng nên ngay cả khi quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh như hiện nay thì người dân vẫn có thể gắn bó và giữ nghề” - ông Chính nói.
Nguy cơ ô nhiễm
Theo số liệu khảo sát của Sở TN&MT Hà Nội, tại 13 làng nghề gia công cơ kim khí ở 8 quận, huyện (Hà Đông, Hoài Đức, Ứng Hòa, Đan Phượng, Phú Xuyên, Thường Tín, Thạch Thất, Thanh Oai) lĩnh vực chính bao gồm: Gia công cơ khí, nhựa; gia công cơ kim khí, rèn, làm két sắt... Trong đó, một số làng nghề thu hút nhiều hộ làm nghề tương đối lớn, như: Làng nghề cơ khí thôn Dụ Tiền (xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai) 167 hộ còn làm nghề trên tổng số 202 hộ; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá (Thạch Thất) hiện có 200 hộ làm nghề. Các làng nghề Liễu Nội (Thường Tín), Dụ Tiền, Phùng Xá, Đại Tự... thu hút một lượng lớn lao động từ 500 - 1.200 người. Một số làng nghề sản xuất không tập trung, số lượng lao động ít, như: Làng nghề rèn Thúy Hội (Đan Phượng) và Vũ Ngoại (Ứng Hòa) có số lượng hộ làm nghề khoảng 20 hộ với khoảng 20 – 40 lao động.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, công nghệ sản xuất của các cơ sở làng nghề gia công cơ kim khí còn tương đối thô sơ, chủ yếu làm thủ công hoặc kết hợp một phần sử dụng máy móc. Các loại nguyên vật liệu sử dụng cho sản xuất là sắt hình, tôn, thép, inox... Từ đó, phát sinh ra các vấn đề ô nhiễm do gia công sơ bộ, đột dập, hàn, tẩy rỉ, làm sạch, mạ kẽm, sơn đều làm xuất hiện bụi, gỉ sắt, tiếng ồn, khói, nước thải với các độc tố như CTR, axit, Zn, Ni, Cr làm ô nhiễm môi trường nước, không khí và đất.
(Nguồn kinhtedothi.vn)
Theo mình biết mỗi một địa khu đều có điều kiện thuận lợi về tài nguyên thiên nhiên, địa hình, và trí tuệ của con người nơi đó. Vậy nên các Ông tổ nghề cũng dựa vào đó mà truyền dạy nghề cho họ. Làng nghề gia công cơ khí cũng không phải là ngoại lệ.
Đoạn đầu của bài viết là vẻ đẹp mà làng nghề đã đem lại cho người dân nơi đây có 1 công việc tại chỗ và thu nhập ổn định.
Mình cũng đồng tình với đoạn này, tuy nhiên sang đoạn hai "Nguy cơ ô nhiễm" mình thấy phần lý do còn thiếu. Mình nhận thấy là do người lao động nơi đây còn chạy theo năng xuất lao động để kịp cung cấp ra thị trường và tăng thu nhập nên đã làm ra những sản phẩm kém chất lượng. Hàng nhanh hỏng, không sử lý được, gây ô nhiễm môi trường.
Mình còn nhớ lúc nhỏ, dao, kéo, cào, cuốc và những dụng cụ lao động bằng kim loại khác bị trơ, bố mình lại dùng thanh đá mài để mài , cchứng lại sắc như ban đầu, cứ như thế hết năm này qua năm khác, nhà mình không phải lo mua đồ mới.
Hơn nữa người sử dụng cũng không biết chân quý dụng cụ bằng sắt thép nên cứ động có vấn đề là muốn "thay cũ đổi mới", có cầu ắt có cung.
Tôi đã từng xem 1 đoạn video ghi lại cảnh sẳn xuất 1 con dao to. Qua bao ngày chọn thép, người thợ rèn bằng kinh nghiệm của mình phán đoán được độ nóng ngọn lửa trong lò nung thép để đưa ra bàn đập. Bốn người đàn ông với 4 búa đập liên tiếp để cán được 1 lưỡi dao vừa mỏng và đúng kích thước ở nhiệt độ đạt tiêu chuẩn để thép không bị ròn - rễ gẫy, non - dễ méo mó biến dạng. Đây có thể coi là 1 quá trình rèn nghề mà lại rèn người.
Mong rằng chúng ta mỗi khi cầm dụng cụ lên chế biến đồ ăn sẽ nhớ đến công sức của những nghệ nhân cần cù, công phu và trí tuệ này.