Phường Bưởi quận Tây Hồ (Hà Nội) có truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời, có nhiều đền, chùa, di tích lịch sử và làng nghề giấy Dó Yên Thái đặc trưng của đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Nghề làm giấy Dó cổ truyền làng Yên Thái xưa khá phức tạp, ở từng công việc cụ thể đòi hỏi phải có kinh nghiệm và giỏi nghề. Nghề phát triển đến thế kỷ 19, khi các loại chế bản với phương thức in mới không còn phù hợp với loại giấy cũ.
Gìn giữ phát triển làng nghề giấy Dó truyền thống phường Bưởi.
Từ những công đoạn đầu tiên là bóc, giã vỏ, cây Dó, cho đến những công đoạn phức tạp hơn, như nấu, lọc, seo giấy đều cần những người thợ lành nghề. Những tiếng chày giã Dó đã trở thành một nét đặc trưng của kinh kỳ, âm thanh tiếng chày khua đã đi vào ca dao:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ
Làng nghề giấy Dó không biết xuất hiện từ bao giờ, nhưng đã đi vào ca dao và trở nên nổi tiếng. Trong sách “Dư địa chí” (1435), Nguyễn Trãi cũng đề cập đến phường Yên Thái ở Thăng Long, gồm các làng: Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ, Nghĩa Đô làm ra nhiều loại giấy: giấy sắc (để viết sắc của vua ban), giấy lệnh (để viết các lệnh chỉ của vua), giấy bản (phục vụ dân dụng), giấy quỳ,…
Ông Nguyễn Phương Khánh - Làng nghề làm giấy Dó, phường Bưởi, quận Tây Hồ chia sẻ về nghề truyền thống làm giấy Dó.
Trước kia vào các buổi sáng sớm, cả tổng Bưởi vang nhịp thình thịch của tiếng chày giã giấy xen lẫn tiếng gọi nhau í ới trong các lò giấy. Những ngày phiên chợ mồng bốn, mồng chín hàng tháng, cả làng ra bán giấy ở chợ Cầu, kẻ bán người mua chen chúc, tấp nập. Cả làng trắng xóa giấy phơi. Việc sản xuất duy trì đến năm 1991, hợp tác xã sản xuất giấy Dó ở vùng Bưởi giải tán do thiếu nguyên liệu, do không tiêu thụ được sản phẩm. Kể từ đó, nghề làm giấy Dó đã không còn trên đất Thăng Long - Hà Nội.
Trong những năm qua, thành phố Hà nội đã quan tâm hỗ trợ kinh phí nhằm phát triển nghề sản xuất truyền thống, xúc tiến thương mại, tham quan học hỏi, đào tạo nâng cao tay nghề,… cho người lao động ở các cơ sở sản xuất, làng nghề, từ đó hiệu quả sản xuất của các đơn vị ngày một nâng cao, một số cơ sở đã có thương hiệu trên thị trường. Tuy nhiên, nghề sản xuất truyền thống làm giấy Dó thuộc làng Yên Thái xưa, nay là phường Bưởi, quận Tây Hồ (Hà Nội) đã mai một gần như không còn.
Quận ủy, UBND quận Tây Hồ đã quan tâm, xây dựng, lập dự án “Phục dựng mô hình nghề sản xuất truyền thống làm giấy Dó thuộc làng Yên Thái xưa” nằm trong Đề án “Điểm dịch vụ du lịch văn hóa và phục dựng mô hình làng nghề giấy Dó, phường Bưởi”. Đề án được xây dựng tháng 4/2017, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa; khai thác tiềm năng thế mạnh của phường Bưởi vào phát triển dịch vụ, du lịch văn hóa giai đoạn 2015 - 2020.
Đề án nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Tây Hồ khóa V (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đề ra. Xây dựng quận Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch - văn hóa của Thủ đô; gìn giữ làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một.
Phát triển dịch vụ, du lịch văn hóa phường Bưởi nhằm phát huy giá trị nghề sản xuất truyền thống, các di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh để xây dựng nên một loại hình du lịch đặc thù của phường Bưởi, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển quận Tây Hồ thành một trong những trung tâm du lịch của Thành phố và các tỉnh lân cận.
Giáo dục cho thế hệ trẻ phát huy và tự hào tinh thần lao động, sản xuất sáng tạo trong truyền thống của cha ông ta qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, trong đó có nghề sản xuất truyền thống làm giấy Dó thuộc làng Yên Thái xưa - phường Bưởi, quận Tây Hồ ngày nay.
Tạo môi trường du lịch văn hóa đặc sắc, đậm tính nhân văn. Khách du lịch đến với quận Tây Hồ, ngoài việc được hưởng một bầu không khí trong lành, vãn cảnh đình, chùa, di tích lịch sử, thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương; còn được giới thiệu về một làng nghề truyền thống lâu đời, gắn liền với lịch sử phát triển hàng nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội ngày nay.
Địa điểm phục dựng mô hình tại khuôn viên Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ phường Bưởi (số 189 phố Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội). Với diện tích khoảng 200m2 đất, lấy nhà truyền thống làm trung tâm, xung quanh xây dựng các nhà, lán, phục dựng tượng và công cụ mô phỏng theo các công đoạn sản xuất (8 bước + nơi trưng bày sản phẩm), tranh ảnh, các hiện vật liên quan đến làng nghề. Các nhà, lán xây gạch đặc, cột và dầm bằng bê tông cốt thép, mái lợp ngói, mũi hài kích thước lớn, bàn trưng bày hiện vật bằng gỗ; mỗi nhà, lán khoảng 10 - 12 m2. Tượng mô phỏng làm bằng composite, tỷ lệ 1:1.
Nhà tưởng niệm làm nơi giới thiệu, trình chiếu phim tư liệu về làng nghề, trưng bày giới thiệu các điểm di tích, thắng cảnh của phường (các Đình, Đền, Chùa, Am, Miếu, hầm Thành ủy,…). Sân khấu ngoài trời tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ truyền thống của đất nước và địa phương.
(Nguồn langngheviet.com.vn)