Làng Ước Lễ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) nổi tiếng với sản phẩm giò lụa, chả quế. Trải qua 500 năm thăng trầm, nhiều người làng đã bôn ba xứ người, mang hồn giò chả quê hương đi muôn phương.
Tương truyền, vào thời nhà Mạc có một cung tần trong triều đình vốn là người làng Ước Lễ đã về xây cổng làng và dạy cho dân làng nghề giò chả. Dưới thời phong kiến, món ăn này được coi như là cao lương mỹ vị, chỉ dành cho những bậc vua chúa. Đến thời bao cấp, giò chả càng trở nên xa xỉ, thậm chí còn được xem như là một thứ “hàng quốc cấm”. Đến nay, để tìm được những thị trường tiêu thụ mới, phần lớn dân làng đã bôn ba đi bốn phương để làm ăn, lập nghiệp, duy trì và phát triển nghề truyền thống của cha ông. Nhờ đó, thương hiệu ấy đã và đang tạo được chỗ đứng khắp trong Nam, ngoài Bắc.
Theo cụ Nguyễn Đức Hanh (xóm Giếng, thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai), sản phẩm của làng rất đa dạng nhưng nổi tiếng nhất vẫn là giò lụa và chả quế. Trước đây, 90% người dân trong làng đều tham gia sản xuất giò chả. Tuy nhiên, đến nay những người còn bám trụ ở quê hương để tiếp tục nghề truyền thống còn rất ít bởi phần lớn người dân trong làng đã đi làm ăn xa.
Người dân làng Ước Lễ tái hiện lại không khí giã giò truyền thống.
Có lẽ cũng bởi vậy mà không khí tại làng không còn nhộn nhịp và âm thanh “chát chát chình, chát chình” rộn ràng của tiếng chày giã chỉ còn trong tiềm thức. Đứng trước những dấu hiệu mai một làng nghề, người dân làng Ước Lễ đã có những hoạt động cụ thể, góp phần gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa mà ông cha để lại. Một trong những hoạt động tiêu biểu nhất đó chính là tổ chức Lễ hội văn hóa ẩm thực dân gian “Đất chả-quê giò”. Sự kiện này không chỉ giúp cho những người cao tuổi làng Ước Lễ sống lại ký ức xa xưa khi được trực tiếp giã giò bằng cối đá, chày tay mà còn giúp cho thế hệ trẻ hiểu hơn về nghề làm giò cũng như cách giã giò truyền thống mà cha ông để lại.
Chia sẻ về ý nghĩa, mục đích của lễ hội văn hóa ẩm thực đất chả-quê giò, nghệ nhân giò chả Nguyễn Đức Bình, một người con sinh ra ở mảnh đất Ước Lễ cho biết, buổi lễ tái hiện ngày hôm nay là điều cần làm và phải làm của làng Ước Lễ. Bởi, trong quá trình xã hội phát triển, nếu như không tái hiện thì thế hệ đi trước sẽ không thể truyền lại cho đời sau những kinh nghiệm cổ xưa. Dẫu rằng, trong quá trình sản xuất, công cụ, máy móc hiện đại đã dần thay thế cho những chiếc chày, chiếc cối, nhưng xét trên phương diện ý nghĩa sâu xa thì nó không thể thay thế truyền thống được. Bởi đây là sản phẩm được kết nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.
“Với mong muốn phục dựng, kết nối giá trị xưa và nay, giữa nguyên thủy với đương đại, chúng tôi, những người con làng Ước Lễ đã tổ chức ngày hội ẩm thực “đất chả-quê giò” để tái hiện lại khung cảnh giã giò truyền thống của cha ông. Qua ngày hội này, chúng tôi mong muốn bảo tồn, tôn vinh giá trị văn hoá làng Ước Lễ, góp phần gắn kết tình cảm giữa gia đình với gia đình, dòng họ với dòng họ, dòng họ với làng để hình thành một khối đại đoàn kết toàn dân cùng chung tay để hỗ trợ, bổ sung kinh nghiệm trong kinh doanh và sản xuất. Đặc biệt, chúng tôi muốn kết nối xưa và nay, giáo dục cho con cháu khi ra đi làm nghề luôn nhớ cái gốc ở đâu và từ cái gốc ấy, người ta phải biết vun đắp, phát triển cái gốc đó để cho sản phẩm xưa và nay luôn được kết nối trong một dòng chảy liên tục”, nghệ nhân Nguyễn Đức Bình bày tỏ.
Thịt sau khi được giã nhuyễn bằng cối đá chày tay sẽ được gói lại trong lá chuối xanh.
Để bảo tồn và giữ gìn giá trị làng nghề, bên cạnh việc tổ chức ngày hội tái hiện hoạt động giã giò truyền thống, người dân trong làng còn lập ra các hội nhóm trên mạng xã hội Facebook nhằm kết nối, giao lưu người dân Ước Lễ khắp bốn phương.
Bà Nguyễn Thị Lan, chủ trang facebook Giao lưu kết nối đất chả-quê giò chia sẻ, hiện tại nhóm Giao lưu kết nối đất chả-quê giò đã có 423 thành viên tham gia. Thông qua hội nhóm này, người dân làng Ước Lễ ở khắp mọi nơi có thể kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật thông tin một cách thường xuyên.
Đánh giá về những hoạt động này, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết đây là những hoạt động có ý nghĩa vô cùng to lớn của làng Ước Lễ mà chúng ta nên bảo tồn, phát triển. Các hoạt động này không chỉ thúc đẩy làng nghề phát triển mà còn là cơ hội để kết nối, giao lưu, giáo dục thế hệ sau kế thừa những giá trị thiêng liêng mà cha ông để lại.
Việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống là một việc làm có ý nghĩa cần được phát huy. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát triển, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của mỗi làng nghề truyền thống, các cấp, ngành và địa phương cũng cần tạo điều kiện và hỗ trợ nhiều hơn.
(Nguồn hanoi.qdnd.vn)