Phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, Vĩnh Phúc luôn chú trọng và dành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống và sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Qua đó, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân khu vực nông thôn, thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Song, để làng nghề truyền thống phát huy được các giá trị văn hóa và sức cạnh tranh thì còn nhiều việc phải làm.
Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình anh Nguyễn Văn kiên, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Thế Hùng
Với việc ban hành và triển khai các Nghị quyết số 02/2006 của HĐND tỉnh về Chương trình khuyến công và phát triển làng nghề giai đoạn 2006 - 2010; Nghị quyết số 31 của HĐND tỉnh về Chương trình khuyến công và phát triển làng nghề giai đoạn 2011 - 2015; Chương trình khuyến công các giai đoạn 2016 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, hằng năm, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình phát triển TTCN và các làng nghề.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương đa dạng hóa các hoạt động khuyến công theo hướng đổi mới hỗ trợ về đào tạo, truyền nghề, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến với quy mô lớn, tập trung vào các ngành nghề có thế mạnh, mũi nhọn của tỉnh.
Tính riêng giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã hỗ trợ hơn 14 tỷ đồng giúp hơn 140 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các lĩnh vực: Gia công cơ khí, xây dựng, chế biến nông lâm, thủy sản, mộc… xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, khoa học kỹ thuật.
Các mô hình sau khi đầu tư hỗ trợ hoạt động hiệu quả, nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Giai đoạn 2010 - 2020, giá trị sản xuất TTCN trên địa bàn tỉnh tăng trưởng nhanh, bình quân trên 25%/năm.
Cùng với việc khuyến khích, hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, các hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ KHKT vào sản xuất TTCN, tỉnh chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền đến các đối tượng thụ hưởng chính sách liên quan đến hoạt động khuyến công, giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn kịp thời nắm bắt, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tập trung hỗ trợ DN sản xuất TTCN và làng nghề triển khai xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, từ đó hình thành hệ thống phân phối lớn trong và ngoài nước.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 28 làng nghề, trong đó có 20 làng nghề truyền thống với gần 10 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho hơn 16 nghìn lao động với mức thu nhập ổn định…
Công nhận và phong danh hiệu cho 23 nghệ nhân cấp tỉnh và 186 thợ giỏi cấp tỉnh. Một số nghề truyền thống đã và đang được tỉnh khôi phục, phát triển; nhiều làng nghề hoạt động hiệu quả, trở thành “tên tuổi” trong và ngoài tỉnh như nghề mộc ở thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên), thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc), xã An Tường (Vĩnh Tường); đá mỹ nghệ ở xã Hải Lựu (Sông Lô); nghề nuôi rắn ở xã Vĩnh Sơn, nghề rèn ở xã Lý Nhân (Vĩnh Tường); nghề làm gốm ở thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên); nghề mây tre đan ở Triệu Đề (Lập Thạch)..., giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động.
Tạo điều kiện thuận lợi để các làng nghề khai thác tiềm năng, lợi thế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng thực hiện xây dựng thương hiệu, thông qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh liên kết tìm đầu ra cho các sản phẩm từ nghề truyền thống; hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực quản lý; chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển Làng nghề, TTCN của tỉnh thời gian qua còn bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Hầu hết các cơ sở làng nghề, sản xuất TTCN trên địa bàn tỉnh có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, nằm xen lẫn trong khu dân cư và phát triển chủ yếu theo hướng tự phát.
Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất gốm nghệ thuật Quang Đức bán ra thị trường từ 10.000-15.000 sản phẩm khác nhau, cho thu lãi từ 1 đến 1,5 tỷ đồng. Ảnh: Thế Hùng
Mặt khác, do thiếu vốn, mặt bằng, các cơ sở, hộ làm nghề chưa mạnh dạn đầu tư chiều sâu, nên sản phẩm làm ra chưa có sức cạnh tranh cao; còn thiếu các trung tâm trưng bày và giới thiệu sản phẩm để xây dựng thương hiệu của mình và bị động trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Chưa có các biện pháp giảm thiểu phát thải tại nguồn, khó xử lý chất thải dẫn đến môi trường làng nghề có nguy cơ ô nhiễm cao. Bên cạnh đó, các DN hạt nhân ở các làng nghề chưa nhiều, dẫn đến việc xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ đổi mới sản xuất còn hạn chế...
Để sản xuất TTCN, làng nghề truyền thống phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cuối tháng 12/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022 - 2025.
Theo đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ triển khai ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất ở các làng nghề; hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa; hỗ trợ xây dựng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa...
Đồng thời, có chính sách thu hút các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo để từng bước hình thành lớp thợ có tay nghề vững, tâm huyết với nghề. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm làng nghề, TTCN; gắn bảo tồn và phát triển làng nghề với chương trình phát triển du lịch...
Đây sẽ là động lực giúp những địa phương có nghề phát triển, tận dụng lợi thế thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân trong vùng; đồng thời, giúp các nghệ nhân tiếp tục phát huy năng lực, phẩm chất, tâm huyết với nghề, góp phần bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống và thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại các địa phương.
(Nguồn
http://baovinhphuc.com.vn/)