Tuesday, 03 January 2023
  0 Replies
  108 Visits
0
Votes
Undo
  Subscribe
Làng nghề Kiêu Kỵ (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã trải qua hàng trăm năm vẫn được bảo tồn. Bằng đôi bàn tay khéo léo, sự tỷ mỉ công phu, những người thợ nơi đây đã làm ra rất nhiều sản phẩm dát vàng phong phú và đa dạng, thể hiện bản sắc riêng của làng nghề. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức ghi danh Nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia - một sự tôn vinh xứng đáng với làng nghề độc đáo này.

Làng nghề quỳ vàng bạc duy nhất Việt Nam

Nghề quỳ vàng bạc xuất hiện ở xã Kiêu Kỵ cách đây trên 300 năm, thời Hậu Lê. Ông Nguyễn Quý Trị, người làng Hội Xuyên, xã Liễu Trai, tỉnh Hải Dương, đỗ tiến sĩ thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786) làm quan đến chức Binh bộ Tả Thị lang – Hàn lâm Viện trực học sĩ. Một lần ông đi sứ bên Trung Quốc học được nghề dát dập vàng bạc để sơn son thếp vàng các đồ thờ cúng, hoành phi, câu đối…
http://mynghevietnam.org.vn/uploads/images/nghe-dat-vang-lang-Kieu-Ki.jpg
Nghề quỳ vàng bạc làng Kiêu Kỵ

Về nước, ông truyền lại nghề cho dân làng Kiêu Kỵ, rồi bỏ đi đâu không ai rõ tung tích. Để tưởng nhớ công ơn của ông, dân làng Kiêu Kỵ đã suy tôn Nguyễn Quý Trị là Tổ sư nghề quỳ vàng bạc và lấy ngày ông ra đi (17/8 Âm lịch) làm ngày cúng giỗ Tổ sư hàng năm.

Ngoài ra, dân làng Kiêu Kỵ còn có tục lệ cúng lễ Tổ nghề vào ngày 12 tháng giêng. Các gia đình theo nghề quỳ vàng bạc làm lễ xôi gà đem đến cúng Tổ nghề tại điện thờ trong nhà Tràng, sau đó về nhà làm nghi thức “khai tràng” (tức là lễ khai búa đập quỳ). Do đó ngày 12 tháng Giêng trở thành ngày khai tràng đập quỳ của dân làng.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nghề làm vàng quỳ khá phát đạt, cung cấp vàng quỳ cho hầu hết các công trình tín ngưỡng cung đình để dát lên các tượng phật, ngai vàng, hoành phi, câu đối, kiệu rước và tranh sơn mài …
http://mynghevietnam.org.vn/uploads/images/Capture-1.jpg
Nghệ nhân đang thếp vàng lên tượng. Ảnh: Danh Lam

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nghề làm vàng quỳ gần như bị mai một. Sau ngày thống nhất đất nước, nhất là thời kỳ kinh tế mở cửa, các công trình văn hóa, các di tích lịch sử được khôi phục hoặc xây dựng mới rất cần đến vàng quỳ, do đó nghề truyền thống ở Kiêu Kỵ được khôi phục và phát triển. Hiện có gần 50 gia đình chuyên kinh doanh vàng quỳ, nhiều hộ sản xuất với quy mô lớn.

Nghề quỳ vàng bạc được làm rất công phu. Những thỏi vàng, bạc thật được đập cho dài và mỏng, rồi cắt thành hình vuông nhỏ một cen-ti-mét, đặt vào lá quỳ. Lá quỳ có cạnh dài 4 cm được kén từ giấy dó (giấy làm tranh Đông Hồ) mỏng và dai, được “lướt” nhiều lần bằng mực tự chế làm bằng bồ hóng đặc biệt, trộn với keo da trâu, tạo cho giấy quỳ bền chắc. Mỗi quỳ 500 lá, trên mỗi lá đặt một mảnh vàng nhỏ một cen-ti-mét, dùng vải dường bâu Nam Định gói lại, đặt lên đe bằng đá, dùng loại búa chuyên dụng đập lên tập lá quỳ, sao cho mảnh vàng mỏng và tràn bằng lá quỳ.

Người thợ giỏi có thể đập một chỉ vàng dàn mỏng thành tấm lá vàng có diện tích hơn một mét vuông. Muốn có một quỳ vàng, người thợ phải đập khoảng một giờ liên tục.

Những tín hiệu vui từ làng nghề

Nghệ nhân Nguyễn Anh Chung, Chủ tịch Hội Dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ vui mừng cho hay, cả làng hiện có hơn 50 hộ làm nghề với từ 300- 400 lao động, thu nhập từ 5-10 triệu/tháng, chưa kể số lao động tỏa đi làm ở các địa phương trên cả nước. Có hộ thuê tới hơn 20 lao động.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp luôn duy trì 10 lao động thường xuyên, quanh năm sản xuất quỳ vàng, mỗi tháng sử dụng khoảng 10 cây vàng để làm nguyên liệu. Thường thì dịp cuối năm là bận rộn nhất, ngoài công việc sản xuất quỳ vàng, gia đình ông còn nhận nhiều đơn hàng thếp vàng lên tượng, đồ thờ cúng, vật dụng trang trí… Ngoài ra, ông còn tự đặt một số hàng gốm sứ, tranh gỗ, sơn mài… để thếp vàng rồi mang ra trưng bày, giới thiệu và bán cho người có nhu cầu.
http://mynghevietnam.org.vn/uploads/images/2046_2662x2046_80_0_0_e7cfc0707c20151dead794781d15d533-scaled-e1617936850213.jpg
Các công đoạn xếp vàng chuẩn bị cho khâu đập điệp và làm quỳ cũ đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ cao. Ảnh: Danh Lam

Làng nghề phát triển đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động. Chị Lê Thị Hòa, 58 tuổi, đã làm công cho gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp hơn 20 năm qua. Chị thấy công việc này đòi hỏi phải kiên trì, chịu khó, cho thu nhập cao hơn làm nông nghiệp. Trung bình mỗi tháng chị thu nhập hơn 4 triệu đồng.

Anh Nguyễn Văn Ninh, 24 tuổi, con trai cả của ông Nguyễn Văn Hiệp đã có 12 năm kinh nghiệm làm nghề. Anh cho rằng, nghề này không thể giàu nhanh, nhưng công việc ổn định, thu nhập cũng khá nên anh muốn gắn bó cả đời với nghề. Anh mong muốn được chính quyền hỗ trợ anh và lớp thanh niên trong làng nói chung được vay vốn khởi nghiệp, mở rộng sản xuất…

Nghệ nhân Nguyễn Anh Chung cho biết, để nghề truyền thống của cha ông phát triển hơn nữa trong đời sống ngày nay, người dân làng nghề đã tìm tòi, sáng tạo và tìm hướng đi mới để quảng bá và phát triển làng nghề. Ngày nay, ngoài những sản phẩm truyền thống, người dân trong làng nghề còn sử dụng kĩ thuật thếp vàng thực hiện trên nhiều sản phẩm quà tặng, đồ vật trang trí, hay các công trình kiến trúc…, được nhiều khách hàng ưa chuộng và tìm đến.
http://mynghevietnam.org.vn/uploads/images/quy.jpg
Thợ làm việc tại làng Kiêu Kỵ. Ảnh: Danh Lam

Nghệ nhân Nguyễn Anh Chung cũng thực hiện nhiều công trình lớn, tốn nhiều thời gian và công phu. Như năm 2020, gia đình ông đã nhận thếp vàng, trang trí hoa văn cho một tư gia ở Bắc Giang, phải mất vài tháng, thuê thêm hàng chục nhân công mới hoàn thành. Cuối năm 2020, ông nhận được đơn hàng thếp vàng lên hàng ngàn con trâu làm tặng phẩm và phải hết tháng Giêng năm Tân Sửu mới hoàn thành.

Người dân làng nghề Kiêu Kỵ luôn mong muốn đưa sản phẩm dát vàng, bạc đến với thị trường quốc tế; được tiếp cận nhiều hơn nguồn vốn ưu đãi để sản xuất, làng nghề ngày càng phát triển bền vững.



(Nguồn http://mynghevietnam.org.vn/)
There are no replies made for this post yet.
Be one of the first to reply to this post!

Thống kê diễn đàn

Posts
1.3K
Total Users
21
Total Guests
232
Latest Member