Trên khắp mọi miền của Tổ quốc thân yêu, miền quê nào cũng có những đặc sản của riêng mình. Nếu như người Hà Nội tự hào về món phở đậm đà, người Ninh Bình tự hào về cơm cháy giòn bùi, xứ Bến Tre tự hào những chiếc kẹo dừa dẻo thơm thì tôi lại tự hào về thứ đặc sản quê mình, thứ mà người ta gọi là kẹo lạc Nam Định ngọt bùi. Và nhắc tới kẹo lạc Nam Định, không thể bỏ qua làng nghề làm kẹo ở thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực. Ngày xưa, cứ vào tháng chạp hàng năm, các cơ sở sản xuất kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng nơi đây lại bận rộn, tất bật chạy đua cùng thời gian để kịp phục vụ thị trường Tết và dịp lễ hội đầu xuân. Nhưng trong vài năm gần đây, việc sản xuất kẹo lạc không cần phải đợi dịp tết nữa mà diễn ra thường xuyên, sẵn sàng phục vụ nhu cầu khác hàng đặt kẹo cho lễ hội hay cưới hỏi, làm quà,...
Trong chương trình thực tế các làng nghề truyền thống địa phương của trường THPT Nam Trực, tôi cùng các bạn học sinh lớp 10A2 được tham quan cơ sở sản xuất kẹo lạc Hồng Bắc của bác Vũ Văn Bắc - 48 tuổi (Thượng Nông, Bình Minh, Nam
Lớp chúng tôi được gia đình bác Vũ Văn Bắc tiếp đón nồng nhiệt, thân mật và được tham gia ngay vào các công đoạn chính của nghề làm kẹo lạc.
Để làm ra kẹo lạc, người nghệ nhân không gặp quá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chỉ những người có tay nghề mới có thể làm ra chiếc kẹo đúng hương vị. Bước đầu tiên là chuẩn bị nguyên liệu. Nguyên liệu gồm nhân lạc, vừng, đường, mạch nha, bột nếp. Theo bác Hồng Bắc, loại lạc cơ sở đang chọn để sản xuất là giống lạc “Nam” và là hạt lạc đầu mùa tức là vào khoảng thời gian tháng 5 đến tháng 6 âm lịch ...Lạc phải còn mới, trước khi đưa vào sản xuất phải được lựa chọn rất kỹ càng, chỉ chọn những hạt chắc, mẩy và bùi, tránh những hạt thối, mốc, hạt mộng.
Sau quá trình chọn lọc khắt khe, các hạt lạc sẽ được trải qua quá trình rang bằng máy rất hiện đại. Hạt chín vàng đều, không bị cháy và có mùi thơm, bùi hơn so với lạc rang bằng tay trên bếp than bởi kiểm soát được thời gian và nhiệt độ.
Rang là công đoạn thiết yếu trong việc làm kẹo nhưng để tạo ra sự đẹp mắt và hương vị được hoàn hảo hơn thì lạc sẽ không thể thiếu được quá trình bỏ lớp vỏ nâu. Hạt lạc giòn rụm được đưa vào máy chà công nghệ cao khiến hạt lạc sạch sẽ, không bị vụn nát mà còn để lộ rõ hơn màu vàng bắt mắt.
Tuy là đã được rang, chà rất kĩ lưỡng nhưng để hạt lạc làm kẹo không còn hơi nước người ta cần làm thêm một công đoạn nữa đó chính là sấy lạc. Bởi lẽ khi hạt lạc còn nước thì khi làm kẹo sẽ khiến kẹo bị ỉu và nhanh hỏng.
Gia đình bác Hồng Bắc đã đầu tư cho cơ sở của mình hệ thống máy sấy rất hiện đại . Trong khi chờ lạc được sấy, chúng tôi được tham gia vào công đoạn chưng kẹo. Đây là công đoạn quan trọng quyết định chất lượng của kẹo, chỉ cần quá lửa một chút kẹo sẽ bị đắng, chuyển sang màu đen. Chúng tôi rất may mắn khi được bác cho phép trải nghiệm công đoạn này . Nó thực sự rất cần sự khéo léo của đôi tay những người thợ.
Hỗn hợp làm kẹo gồm có mạch nha và đường kính trắng, tất cả được đun trên bếp đỏ lửa từ 5-10 phút cho đến khi hỗn hợp chuyển sang màu cánh gián. Mạch nha sau khi nung chảy được trộn đều tay với lạc từ trong máy sấy ra. Lạc và mạch nha được trộn, quyện lại với nhau đặc sền sệt, nóng hổi. Kẹo được đảo với lạc rồi đưa lên khay inox có rải lớp bột gạo, vừng mỏng để chống dính rồi dùng chày để cán. Vừng là loại vừng mẩy vàng đều, có tỉ lệ là 250g cho 1 khay 5 kg kẹo.
Cán kẹo là công đoạn đòi hỏi người thợ phải mất nhiều công và phải khéo tay. Thợ phải cán đều tay để kẹo đảm bảo độ mịn và độ dày. Các thao tác trộn kẹo, cán kẹo phải phối hợp thật nhanh vì mạch nha để nguội sẽ bị cứng, cắt sẽ bị vỡ vụn. Một bạn học của tôi – bạn Trần Thanh Tùng được trải nghiệm công đoạn này thì đã thốt lên rằng: “ Chà ! Nó khó hơn mình nghĩ rất nhiều !”.
Kẹo sau khi được cán thành tấm lớn trên khuân với độ dày 1cm thì sẽ được đi qua qua một hệ thống máy cắt hiện đại, cho ra những miếng kẹo dài 5cm, bề ngang 1cm đều nhau như tắp.
Tiếp đó là công đoạn thành phẩm, đóng gói. Những thanh kẹo nhỏ nhắn xinh xắn được đóng gói bằng máy tự động để vừa nhanh vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thẩm mĩ. Trên bao bì đóng gói của mỗi thanh kẹo có in tên thương hiệu và địa chỉ rất rõ ràng.
Sau khi được đóng thành từng thanh nhỏ, kẹo lạc sẽ được đem gói vào túi hoặc các hộp nhỏ tuỳ phân loại. Và tùy từng loại, giá một gói kẹo lạc chỉ từ khoảng 15.000 đến 50.000 đồng.
Ngoài kẹo lạc, gia đình bác Hồng Bắc còn sản xuất kẹo vừng và kẹo dồi. Sản phẩm của gia đình bác không chỉ được nhân dân địa phương mà còn được người dân trên khắp mọi miền tổ quốc ưa chuộng.
Kẹo lạc là niềm tự hào của quê hương tôi, niềm tự hào của thành phố nhỏ bé trên dải đất hình chữ S thân yêu. Hương vị của kẹo lạc cũng là hương vị ngọt ngào đồng hành cùng bao thế hệ người, là hương vị mà mỗi khi xa quê, người ta da diết nhớ về - hương vị của quê nhà Nam Trực, Nam Định yêu thương.
Theo
Đoàn Đức Phúc
Học sinh lớp 10A2
(Nguồn thpt-namtruc.namdinh.edu.vn)