Khi những búp sen hồng bắt đầu nở rộ thì những người làm nghề ướp trà sen ở phường Quảng An, Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) bắt đầu vào mùa. Với người làm trà sen nơi đây, làm trà không hẳn vì cuộc mưu sinh mà họ muốn lưu giữ một nét văn hóa tinh tế của người Hà Nội.
Trà ướp hương sen Tây Hồ là một thức uống tao nhã trong văn hóa trà người Hà Nội. Không biết từ bao giờ, nghệ thuật ướp trà sen Hồ Tây đã trở thành nét đẹp văn hóa, mang hương vị đất Hà Thành. Trà sen quý bởi được ướp hương sống trong loài hoa sen trăm cánh. Để có chén trà thơm hội tụ tinh hoa của đất trời phải trải qua những công đoạn kỳ công của những người làm trà sen nơi đây.
Chèo thuyền thu hoạch hoa sen
Thu hái những búp sen còn đẫm sương đêm
Đưa sen về nhà
Tờ mờ sáng, khi những giọt sương còn chưa tan, người làm trà sen Hồ Tây đã dậy sớm chèo con thuyền nhỏ ra giữa hồ. Khẽ len lách trong đầm, họ khéo léo thu lượm từng búp sen còn đẫm sương đêm. Đôi mắt tinh nhanh của họ còn tìm kiếm được những búp sen chúm chím đang lấp ló giấu mình sau những tấm lá. Và rồi chính họ cũng thoắt ẩn thoắt hiện trong đầm sen mênh mông. Họ hái nhanh, nhưng cũng nhẹ nhàng để búp sen không nhàu nát. Hay là ở chỗ, như một nghệ thuật, người hái bẻ đúng đoạn ngó non và sắp xếp nhẹ nhàng và chính xác vào mạn thuyền. Chỉ chốc lát, con thuyền đã đầy ắp sen, búp nào búp nấy tròn trịa, đều tăm tắp. Hoa sen được đưa vào bờ và nhanh chóng chuyển về nhà để giữ cho hoa được tươi và thơm.
Bà Nguyễn Thị Dần - nghệ nhân cao tuổi nhất còn gắn bó với nghề ướp sen truyền thống
Cả nhà tất bật làm sen
Ướp trà sen truyền thống làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công
Tách “gạo” sen
Nói về nghệ thuật ướp trà sen truyền thống, không ai không biết đến bà Nguyễn Thị Dần, hiện là nghệ nhân cao tuổi nhất ở Tây Hồ còn gắn bó với nghề. Bà Dần chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở Quảng An, tận hưởng gió Hồ Tây, trưởng thành trong một gia đình có nhiều đời làm nghề trà ướp hương sen, bà được cha mẹ truyền nghề và cứ thế gắn bó với nghề trên 70 mùa sen. Trong căn nhà nhỏ số 33 phố Tô Ngọc Vân, năm nào cũng vậy, mỗi mùa sen đến là cả gia đình bà Dần lại tất bật làm trà. Nhìn từng thao tác linh hoạt của bà ít ai nghĩ nữ nghệ nhân ấy năm nay đã 96 tuổi.
Sàng sảy để "gạo" sen phải trắng và không được nát
Theo bà Dần, hoa sen Hồ Tây phải hái trước bình minh, khi mặt trời còn chưa lên, sau đó mang về tách lấy “gạo” - thứ được ví như túi hương của bông sen rồi mới đem ướp. Việc lấy “gạo” sen là công đoạn khó nhất. Trong đó người làm phải nhanh tay, khéo léo để hạt gạo phải trắng, không nát, bay mất mùi hương. Để làm được 1 kg trà sen, người nghệ nhân cần tới 1.000-1.200 bông sen tùy to hay nhỏ. Trong đó, cứ một lượt “gạo” lại một chè, ướp xong mang đi sấy khô, công đoạn này lặp đi lặp lại tới 5-7 lần để hương sen ngấm vào vị trà mới cho ta được thức uống hảo hạng. Chính vì cách chế biến cầu kì và phức tạp như thế mà sen Hồ Tây có giá tương đối đắt trên thị trường. Giá 1 kg trà sen hảo hạng bán ra với giá 7 triệu đồng, thế nhưng gia đình bà Dần vẫn làm không kịp để bán, vì còn phụ thuộc vào hoa sen, lại chế biến hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.
Sen Hồ Tây xưa nay vẫn nổi tiếng dùng để ướp trà bởi mùi hương quyến rũ, tinh khiết.
Trà sen "xổi" cách ướp đơn giản hơn cách làm truyền thống
Nhiều người dân quanh đầm sen có thể mua sen về tự làm trà sen "xổi"
Bà Dần đang truyền nghề cho cô cháu dâu
Nghệ thuật ướp trà sen là niềm tự hào của người Hà Nội, của những ngôi làng ven hồ Tây và của những gia đình như bà Dần. Bởi thế mà từ đời này sang đời khác, nghề truyền thống ấy vẫn được tiếp nối như giữ lại một giá trị tinh túy cho mảnh đất và con người nơi đây. Vẫn là cách làm hoàn toàn thủ công, vẫn những nguyên liệu thơm ngon nhất cùng bí quyết gia truyền để tạo nên món quà độc đáo mang hương vị sen Tây Hồ.
(Nguồn congthuong.vn)