Nằm ở phía Đông Nam của huyện Thạch Thất, xã Phùng Xá, trước đây, làng có nhiều ngành nghề truyền thống như: dệt vải, thêu ren, sản xuất cày bừa… Tuy nhiên, những năm gần đây, do nắm bắt được xu hướng phát triển của nền kinh tế, Phùng Xá tập trung phát triển nghề cơ kim khí.
Cơ sở sản xuất bản lề tại làng nghề Phùng Xá
Tương truyền, ngày xưa, cụ Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan, sau thời gian đi xứ Trung Quốc, đã tìm tòi nghiên cứu học tập được kỹ thuật sản xuất cày bừa để về hướng dẫn lại cho dân làng Vĩnh Lộc, xã Phùng Xá, Thạch Thất nghề cơ kim khí sản xuất ra cày, bừa, cuốc, xẻng. Cùng với sự phát triển của đất nước, nhân dân trong làng với nghề rèn - cơ khí truyền thống đã tự nghiên cứu học hỏi công nghệ sản xuất tiên tiến để áp dụng vào sản xuất. Hiện nay, làng nghề cơ kim khí Phùng Xá có tổng số 1.967 hộ với 6.884 nhân khẩu, 4.199 lao động trong đó có 2.350 lao động làm nghề. Tổng giá trị sản xuất của làng nghề (năm 2013) đạt 486.912 triệu đồng, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp đạt 311.624 triệu đồng.
Đặc biệt, từ cuối năm 2006, xã đã có Điểm công nghiệp Phùng Xá với diện tích ban đầu 11ha, quy tụ hàng trăm hộ tham gia sản xuất, kinh doanh. Nhờ sản xuất tập trung nên người dân không còn phải lo lắng về việc làm và thu nhập. Đến nay, làng nghề có 165 doanh nghiệp, 845 hộ sản xuất cơ khi, thu hút hơn 5.000 lao động trong làng nghề và các địa phương khác tham gia. Thu nhập bình quân của người lao động từ 3 triệu đồng trở lên tùy thuộc vào công việc, đời sống của lao động được đảm bảo.
Cơ kim khí Phùng Xá phát triển mạnh về cả số lượng và chất lượng. Nếu như trước kia các hộ làm ăn nhỏ lẻ, manh mún chỉ với một vài mặt hàng như dao, liềm, quốc, xẻng, cày bừa thì hiện nay các mặt hàng phong phú hơn, mẫu mã đẹp hơn nhưng vẫn ở dạng thô, đơn giản như cửa xếp, tấm lợp, lưới thép… Hộ nhận sản xuất máy đột dập, máy cán nóng, cán ren… Có hộ lại nhận gia công các mặt hàng cơ kim khí (cắt, chặt, đột dập, bản mã); làm chi tiết kết cấu (khung nhà thép, mái lán, nhà xưởng…) hoặc có cơ sở lại kinh doanh tôn kim khí.
Ông Trần Văn Định, chủ Doanh nghiệp tư nhân Đức Cường cho biết: trước đây, do không có mặt bằng sản xuất nên không làm ăn lớn được, chỉ buôn bán sắt vụn nên thu nhập không ổn định. Nay, được thuê mặt bằng nên điều kiện sản xuất thuận lợi hơn nhiều. Với những sản phẩm đa dạng về mẫu mã, mặt hàng và chủng loại, thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại, năng suất lao động ở làng nghề Phùng Xá ngày càng cao, sản phẩm tiêu thụ ở thị trường rộng lớn, không chỉ giải quyết việc làm cho lao động trong làng mà rất nhiều người từ nơi khác đến đây tìm việc.
Tuy đã có những bước phát triển vượt bậc so với trước đây, song quy mô sản xuất tại Phùng Xá vẫn còn nhỏ lẻ, công nghệ còn lạc hậu, chủ yếu là công nghệ sản xuất cũ; bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm nguồn nước chưa được xử lý, mặt bằng cho phát triển còn thiếu, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được so với yêu cầu…đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển chung của làng nghề.
Trước thực trạng trên, để tháo gỡ những khó khăn và tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo, thời gian tới, Phùng Xá sẽ đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật làng nghề, trong đó, tập trung vào hệ thống đường giao thông, nâng cấp cải tạo hệ thống điện, hoàn thiện hệ thống cung cấp nước sạch, đầu tư hệ thống thoát nước, cải tạo hệ thống xử lý nước thải đưa vào vận hành thường xuyên. Cùng với đó, tiếp tục tạo điều kiện và hỗ trợ kinh phí để doanh nghiệp, hộ làng nghề tham gia hội chợ, triển lãm sản phẩm làng nghề do Thành phố và các địa phương tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất làng nghề đăng ký xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành đầu tư các hạng mục hạ tầng dự án cụm công nghiệp cơ khí mở rộng để tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp, hộ thuê đất đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất.
(Nguồn hanoi.gov.vn)